Kiến trúc độc đáo của “Nhà xưa”

BPO – Hiện nay, kiến trúc lợp ngói vảy cá còn rất ít và chủ yếu được gìn giữ trên những ngôi nhà cổ ở các tỉnh miền Trung. Thế nhưng, ngay tại phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành đang tồn tại một quần thể kiến trúc được thiết kế độc đáo với mái ngói đã phủ rêu phong và những cây cột mang nhiều dấu tích thời gian. Quần thể có tên gọi Nhà xưa.

Tại phường Hưng Long, ngay bên cạnh quốc lộ 14, một quần thể với rất nhiều ngôi nhà mái ngói vảy cá rêu phong cổ kính ẩn hiện dưới những tán cây gỗ trắc. Ngay từ cổng đi vào đã ấn tượng với 2 chữ “Nhà xưa” được thiết kế vừa cổ điển vừa độc đáo.

“Nhà xưa” tạo ấn tượng ngay từ cổng vào

Điều thú vị là những mái ngói cổ xưa ấy được hoàn thiện xây dựng vào năm 2018. Và chủ nhân của quần thể kiến trúc ấy là một người đàn ông vừa sang tuổi trung niên, anh Nguyễn Võ Thảo Nguyên, sinh năm 1981. Anh Nguyên sinh ra và lớn lên ở tỉnh Ninh Thuận. Gia đình anh chuyển vào Chơn Thành lập nghiệp năm 2010.

Những ngôi nhà này có kết cấu từ ngói và gỗ. Phần gỗ, tôi đã phải sưu tầm từ nhiều nơi như ở Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ đem về, sau đó chọn lựa, lắp ghép để hoàn thiện. Việc tìm ngói vảy cá thì khó khăn hơn nhiều. Để tạo nên một không gian cổ thì không thể sử dụng những viên ngói vảy cá mới sản xuất, phải tìm ngói ở những ngôi nhà đã qua sử dụng rất nhiều năm, gần như tôi phải chọn lựa, kiểm tra từng viên.

Anh NGUYỄN VÕ THẢO NGUYÊN
chủ nhân của Nhà xưa, thị xã Chơn Thành – Báo binhphuoc.com.vn

Trên diện tích 1.200m2, sau 1 năm thi công thì diện mạo của quần thể kiến trúc “Nhà xưa” với 1 ngôi nhà chính, 2 nhà ba gian, 2 nhà lục giác và 1 nhà sàn đã hình thành. Ngoài kiến trúc về mái ngói và gỗ, điều thu hút sự chú ý của những nguời yêu thích nhà gỗ là hệ thống cây xanh và dòng thủy lưu được thiết kế ngay trong lòng quần thể này.

Những ngôi nhà gỗ mái ngói vảy cá được thiết kế liền kề

Việc bố trí cây xanh đã hỗ trợ rất nhiều cho quá trình ổn định hệ sinh thái của con suối nhỏ trong quần thể “Nhà xưa”

Anh Nguyên cho biết, dòng suối nhân tạo có chiều dài uốn lượn chỉ hơn 20m nhưng tốn khá nhiều tâm sức của anh. Suối nhân tạo được hình thành từ việc kết hợp phong cách bài trí cây cỏ của người Nhật. Một số cây xanh chủ đạo được lựa chọn rất kỹ để tạo thế ngã ra dòng suối một cách tự nhiên nhất. Những viên đá cuội lớn, nhỏ được lựa chọn tỉ   mỉ và đặt vào vị trí phù hợp. Việc bố trí cây xanh cũng hỗ trợ rất nhiều tạo nên hệ sinh thái của suối. Để đàn cá cảnh sống khỏe trong dòng suối, anh Nguyên bố trí 3 hồ lọc nước, đảm bảo dòng nước lúc nào cũng trong mát, tạo môi trường tốt nhất cho cá sinh sống.

Gian nhà chính diện của quần thể

Để giữ gìn nét cổ xưa của quần thể kiến trúc độc đáo này thì việc bảo quản dưới thời tiết nóng ẩm kéo dài như ở Bình Phước cũng là vấn đề không nhỏ. Anh Nguyên chia sẻ, để gìn giữ quần thể kiến trúc chủ yếu làm bằng gỗ, hằng năm phải nhờ chuyên gia đến bảo dưỡng, xử lý mối mọt và biện pháp phòng cháy, chữa cháy cũng được hết sức chú trọng. Xung quanh khu vực này được bố trí bình phòng cháy, chữa cháy theo khuyến cáo của đơn vị chuyên môn.

Từ khi quần thể “Nhà xưa” hình thành, gia đình anh Nguyên đưa vào kinh doanh cà phê, ẩm thực. Mục đích vừa làm kinh tế vừa giới thiệu những nét văn hóa cổ xưa đến những người có cùng sở thích. Anh Dương Đức Quỳnh ở thành phố Đồng Xoài rất thích thú khi đến thăm quần thể kiến trúc này. Anh chia sẻ: Tôi quê ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, khi đến “Nhà xưa” bản thân như được về lại quê hương. Những ngôi nhà ở đây được phục dựng lại rất kỹ, vừa mang nét cổ xưa, sạch sẽ, tôi rất thích.

Toàn cảnh khu “Nhà xưa” với những mái ngói rêu phong, cổ kính

Không chỉ người Việt yêu thích mà nơi đây còn có nhiều thực khách, các chuyên gia người Nhật Bản đến thưởng thức món ăn ở Việt Nam. Họ rất thích thú khi “Nhà xưa” đã lưu dấu được vài nét văn hóa của người dân xứ sở hoa anh đào qua những chiếc lồng đèn, hoa văn trang trí. Anh Aikito Saido, chuyên gia người Nhật Bản, làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Chơn Thành chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với kiến trúc “Nhà xưa”. Tôi thích sự giao thoa văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam ở nơi này. Tôi thường đến đây với những người đồng hương. Họ cũng rất thích nơi này”.

Điều đặc biệt ở quần thể kiến trúc này là chủ nhân đã tập hợp những ngôi nhà cổ từ nhiều nơi để dựng nên sự liên kết chặt chẽ, một thế mới từ những cái xưa cũ. Để hôm nay, ngay giữa lòng thị xã trẻ Chơn Thành có một địa chỉ níu chân những người ưa hoài cổ.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top